Chấm dứt khai thác quá mức – Giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lương thực của hàng triệu người trên toàn thế giới (13-08-2024)

Cần phải có tư duy mới để đối mặt với những thách thức trong tương lai khi dân số thế giới dự kiến ​​đạt 10 tỷ người vào năm 2050, tạo ra áp lực lớn lên nguồn cung lương thực và môi trường. Chính trong bối cảnh đó, các nguồn tài nguyên biển đã khẳng định được vai trò và đóng góp của mình.
Chấm dứt khai thác quá mức – Giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lương thực của hàng triệu người trên toàn thế giới
Ảnh minh họa

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt trái đất và cung cấp protein cho hơn 3 tỷ người trên toàn cầu, tuy nhiên vai trò của thủy-hải sản trong việc giúp nuôi sống con người đã bị các chính phủ coi nhẹ, thay vào đó là các giải pháp như tập trung vào phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Hậu quả của các chính sách đã hiển hiện rất rõ ràng. Theo báo cáo Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới của FAO thuộc Liên hợp quốc, các rủi ro về sức khỏe do thực phẩm giàu calo nhưng nghèo chất dinh dưỡng đã dẫn đến hàng triệu ca tử vong sớm trong khi việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ góp phần gây ra các bệnh nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh tim mạch - hiện là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Liên hợp quốc và các nhà khoa học hàng đầu đang tiến hành một cuộc đánh giá lại nhằm kêu gọi các chính phủ đưa thực phẩm thủy sản trở thành trọng tâm trong chính sách lương thực quốc gia bởi nhiều lý do chính đáng. Theo “Đánh giá thực phẩm xanh” - công trình nghiên cứu của hơn 100 chuyên gia từ 25 trường đại học - thực phẩm thủy sản chưa được khai thác triệt để mặc dù chúng là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất trên trái đất.

Lấy nghề khai thác hải sản làm ví dụ. Liên hợp quốc dự đoán rằng ngành này sẽ cung cấp 96 triệu tấn sản lượng đánh bắt vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính rằng nếu không xảy ra tình trạng đánh bắt quá mức ở các đại dương, con số sản lượng này có thể tăng thêm 16 triệu tấn nữa.

Điều này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người. Một phân tích mới do Hội đồng quản lý biển (MSC) thực hiện với nguồn dữ liệu phân tích đến từ Cơ sở dữ liệu thành phần thực phẩm thủy sản của Đại học Harvard, cơ sở dữ liệu toàn cầu toàn diện nhất về hơn 3.500 loài thực phẩm thủy sản và hàng trăm chất dinh dưỡng, cho thấy rằng phần lớn trong số hơn 112 triệu tấn hải sản này có thể cung cấp các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu cho nhiều người.

Ví dụ, việc tăng sản lượng đánh bắt có thể làm giảm tình trạng thiếu sắt ở 4 triệu người và tình trạng thiếu vitamin B12 ở 18 triệu người, đồng thời giúp giảm tình trạng thiếu máu - một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu ảnh hưởng đến gần một nửa số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và 40% phụ nữ mang thai trên toàn cầu.

Tương tự như vậy, 38 triệu người thiếu hụt mức axit béo Omega-3 thiết yếu lành mạnh (DHA và EPA) – các chất chủ yếu có trong hải sản, cũng có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày của họ nếu đại dương của chúng ta được đánh bắt bền vững. Tất nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là tăng sản lượng khai thác hải sản. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm hải sản cũng là một vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là khả năng tiếp cận của các nhóm dân số đặc biệt thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc có thêm hàng triệu tấn hải sản để sử dụng là một khởi đầu đầy hứa hẹn.

Thách thức trong việc tự cung cấp lương thực cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, khi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nhưng đây cũng là nơi hải sản tự nhiên có lợi thế hơn nhiều loại thực phẩm khác vì nó không cần đất hoặc nước ngọt, và tạo ra ít chất ô nhiễm hơn. Và tổng lượng khí thải carbon từ hải sản thấp hơn đáng kể so với chăn nuôi.

Nếu muốn hiện thực hóa lợi ích của thủy hải sản khai thác tự nhiên, các chính phủ cần chú ý hơn tới các đại dương. Với hơn 30% trữ lượng cá toàn cầu vẫn bị khai thác quá mức, các nhà hoạch định chính sách phải đưa việc quản lý đại dương vào trọng tâm của các chiến lược lương thực của họ. Các chính phủ và liên chính phủ cần đặt ra các quy tắc hữu hiệu để đảm bảo rằng ngư dân đang quản lý và khai thác đại dương một cách bền vững được công nhận, nhận được tư vấn và hỗ trợ đúng lúc và thích hợp.

Không chỉ là đạt được các thành tựu mà còn đảm bảo rằng chúng ta không tụt hậu so với những thành quả đã đạt được. Đây là một mục tiêu có thể đạt được và được công chúng ủng hộ. Việc quản lý nghề cá chặt chẽ dưới sự ủng hộ của các chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân, có thể mang lại các thay đổi tích cực. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trữ lượng cá mà những ngư dân đánh bắt cá bền vững hướng tới có mức độ đa dạng cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn so với những trữ lượng không được khai thác bền vững. Nghiên cứu tiêu dùng độc lập được thực hiện trên 23 thị trường cũng cho thấy rằng bên cạnh sự lo lắng ngày càng tăng về tương lai của đại dương, nhu cầu về hải sản được sản xuất bền vững cũng cao hơn bao giờ hết.

Các thay đổi hiệu quả để cải thiện sức khỏe và sinh kế trên toàn thế giới là khả thi, nhưng chỉ khi các nhà hoạch định chính sách nhận ra giá trị của việc bảo vệ nguồn tài nguyên biển khổng lồ của chúng ta cho các thế hệ tương lai.

Hương Trà (theo MSC.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác